Bệnh tăng huyết áp là một bệnh lý nguy hiểm. Tăng huyết áp là một mối đe dọa sức khoẻ thường gặp nhất trên thế giới cũng như tại Việt nam. Tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa, tàn tật và có thể gây tử vong. Ngoài ra tăng huyết áp còn gây tổn thất về kinh tế cho gia đình và xã hội. Một số bệnh nhân tăng huyết áp có thể thấy hoa mắt chóng mặt, tức thở, đau ngực ..., tuy nhiên đa số người tăng huyết áp không thấy biểu hiện gì khác thường chính vì vậy tăng huyết áp được gọi là kẻ giết người thầm lặng.
Tăng huyết áp hay còn gọi cao huyết áp. Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg. Ai cũng có thể bị tăng huyết áp kể cả trẻ em. Hiện nay, tăng huyết áp là vấn đề rất phổ biến và ngày càng gia tăng tại cộng đồng.
Cách duy nhất để biết cao huyết áp hay không là đo huyết áp. Có nhiều yếu tố nguy cơ cao huyết áp như tiền sử gia đình có người cao huyết áp, người cao tuổi, bên cạnh còn có các yếu tố hành vi trong cuộc sống như hút thuốc lá, uống rượu, thiếu hoạt động thể lực, chế độ ăn uống không hợp lý đặc biệt ăn thừa muối làm tăng huyết áp.
Phòng ngừa tăng huyết áp:
Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Trong khẩu phần ăn hàng ngày, hãy bổ sung thêm rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và chế phẩm sữa ít béo. Các thực phẩm trên rất giàu kali, can xi, ma gie và axit béo omega-3. Nên cắt giảm tối đa lượng muối hấp thụ hàng ngày. Càng ăn nhạt, càng tiêu thụ ít muối (dưới 5g/ngày) thì càng tốt cho người bị huyết áp cao.
Hạn chế ăn: Các loại thịt đỏ như thịt chó, bò…, lòng đỏ trứng, nội tạng, tiết động vật, các loại thức ăn nhanh (mì tôm, đồ hộp…) và thực phẩm ăn sẵn như chiên, rán. Hạn chế các nước ngọt có gas, các loại bia, bột nở …
Tăng cường tập luyện thể lực: Cùng với việc điều chỉnh chế độ ăn uống thì tập luyện thể lực là một phần không thể thiếu của chương trình diều trị hàng ngày. Luyện tập thể dục thường xuyên có tác dụng làm giảm huyết áp và giảm cân nặng. Nên luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần.
Điều chỉnh lối sống lành mạnh: Từ bỏ những thói quen không tốt như uống rượu bia quá mức, hút thuốc lá, thức khuya, làm việc quá căng thẳng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, ngừa tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.
Điều trị tăng huyết áp: Điều trị tăng huyết áp không phải như điều trị các bệnh cấp tính khác. Điều trị phải lâu dài, không được bỏ giữa chừng và cần tuân thủ uống thuốc đều đặn. Nhiều người sau một thời gian uống thuốc, thấy huyết áp xuống là bỏ không uống thuốc nữa hoặc uống thuốc không đều. Như vậy, khi ngừng uống thuốc, huyết áp sẽ tăng trở lại; Dùng các thuốc hạ huyết áp: gồm rất nhiều các nhóm thuốc khác nhau. Tuỳ mức độ tăng huyết áp cũng như giai đoạn của bệnh và sự nhạy cảm của từng cá nhân, các bác sỹ chuyên khoa Tim mạch sẽ giúp người bệnh chọn lựa được các thuốc phù hợp nhất cho mỗi trường hợp bệnh nhân khác nhau. Không có 1 công thức chung nào được áp dụng cho tất cả các bệnh nhân.