Thời gian gần đây, qua công tác quản lý và phản ánh của báo chí, phát hiện một số nhân viên y tế có hành vi tư vấn hoặc gợi ý sử dụng sản phẩm sữa do các tổ chức, cá nhân phân phối – trong đó có sản phẩm bị điều tra là hàng giả. Ngoài ra, việc sản xuất, lưu hành thuốc giả hoặc thuốc chưa được cấp phép lưu hành cũng đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị, gây mất niềm tin cho người dân.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương rà soát toàn bộ danh mục thuốc đang sử dụng, đối chiếu với danh sách thuốc giả được cơ quan chức năng công bố và xử lý nếu có vi phạm. Đồng thời, cần kiểm tra hoạt động kê đơn, đảm bảo không đưa vào đơn thuốc các sản phẩm không phải là thuốc, như sữa hoặc thực phẩm chức năng, nhằm tránh tình trạng lợi dụng danh nghĩa y tế để trục lợi.
Bộ cũng yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động kê đơn và chỉ định điều trị. Nếu phát hiện hành vi kê thuốc chưa được cấp phép, gợi ý sử dụng dịch vụ không cần thiết, chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác vì mục đích cá nhân hay bán thuốc dưới mọi hình thức, các đơn vị phải có biện pháp xử lý nghiêm. Việc quảng cáo thuốc chưa được duyệt nội dung hoặc quảng cáo sai sự thật cũng nằm trong diện cần kiểm tra, chấn chỉnh.
Các bệnh viện triển khai ngay các giải pháp bảo đảm kê đơn, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả, phù hợp với chẩn đoán và tình trạng người bệnh. Bộ nhấn mạnh vai trò của hoạt động dược lâm sàng trong tư vấn và giám sát kê đơn, phát hiện phản ứng có hại của thuốc, cũng như quản lý tương tác thuốc theo đúng hướng dẫn chuyên môn.
Đối với các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được đưa vào cơ sở y tế như sữa và thực phẩm chức năng, Bộ yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ hoạt động tư vấn, giới thiệu, bán sản phẩm cho người bệnh, đặc biệt với các sản phẩm đã bị xác định là hàng giả. Việc thực hiện công tác dinh dưỡng trong bệnh viện cũng phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Điều 67 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Thông tư 18/2020 của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, các cơ sở cần tăng cường kiểm tra hoạt động quảng cáo, tiếp thị và ghi nhãn các sản phẩm không phải là thuốc, tránh tình trạng sử dụng các cụm từ mang tính điều trị như “chữa bệnh”, “phòng bệnh”, “điều chỉnh chức năng sinh lý” để quảng bá sai sự thật, vượt quá phạm vi được cấp phép, hoặc lợi dụng kiến thức chuyên môn để đánh lừa người bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm minh, không bao che, dung túng bất kỳ hành vi vi phạm nào, đồng thời tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật đến nhân viên y tế, người bệnh và người dân để nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phát hiện và đấu tranh với các sai phạm.