“Tôi vẫn chọn ngành y”!
Nghề y là một nghề nhạy cảm. Nghề mà người trong cuộc luôn phải đối mặt với sinh tử, với đớn đau, với vất vả … nhưng khi tôi hỏi: “Anh có hối tiếc khi chọn ngành y?” – Bác sĩ Vũ Quang Trung nói ngay: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn ngành y. Bởi với tôi, đó không chỉ là “nghề”, mà còn là “nghiệp”. Cái nghiệp của thiện duyên.
Lần giở lại những năm tháng cuộc đời, có lẽ nghề y đến với bác sĩ Trung đúng thật là một cái duyên. Sinh năm 1978 trong một gia đình nhà giáo nhưng anh lại lựa chọn ngành y. Nhắc về khoảng thời gian đó, bác sĩ Trung tâm sự, anh cũng không hiểu vì sao mình lại chọn ngành này, thậm chí đến năm 2 đại học anh vẫn có ý định chuyển hướng sang sư phạm theo mong muốn của gia đình. Vậy mà đến nay, đã hơn 20 năm bác sĩ Trung gắn bó với nghề y, gắn bó với nghề cứu người giúp đời.
Ths. Bs Vũ Quang Trung trực tiếp thực hiện kỹ thuật ghép đoạn mạch máu tổn thương bằng đoạn tĩnh mạch hiển đảo chiều, giúp cứu sống và bảo tồn chân cho một trường hợp bị tai nạn bị đứt gần rời cẳng chân phải.
Năm 2001, bác sĩ Trung tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại trường Đại học Y Thái Nguyên và chuyển về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (năm 2002). Đến năm 2010, anh tiếp tục theo học thạc sĩ chuyên ngành Ngoại tại trường Đại học Y Hà Nội. Một bác sĩ đa khoa lại chuyển hướng sang chuyên ngành Ngoại?, anh chỉ cười bảo: “Vì anh thích chuyên khoa này. Với lại một bác sĩ ngoại khoa có yêu cầu rất cao, phải cập nhật liên tục, đòi hỏi sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm, phải làm và phải trải nghiệm thực tế thì mới tiến bộ được.”
Với bác sĩ Trung, mỗi ca bệnh là một cuộc sát hạch khác nhau, nếu không chú ý hoặc không nghiên cứu kỹ kỹ thuật mổ thì chỉ trở thành thợ mổ, bác sĩ không chỉ mổ bằng tay mà phải mổ bằng cả cái đầu. Cùng vào cuộc phẫu thuật như nhau, nhưng nếu phán đoán giỏi, phát hiện nhanh tổn thương, đưa ra được kỹ thuật hợp lý thì sẽ có đường mổ đẹp, rút ngắn thời gian mổ và giảm nhiều rủi ro cho bệnh nhân.
Bác sĩ Vũ Quang Trung cùng kíp mổ thực hiện phẫu thuật nội soi cắt u tuyến tiền niệt cho người bệnh
Trải qua những năm tháng thức khuya, dậy sớm, những giờ liên tục bên chiếc dao mổ, bác sĩ Trung đã tìm lại sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân nhưng đến giờ anh vẫn vui vẻ nhận mình chỉ là “một người phẫu thuật viên tuyến huyện”, vì với anh đó là công việc của mình, có đáng gì đâu để kể. Ngoài kia vẫn còn nhiều lắm những bác sĩ đang thầm lặng từng ngày với công việc cứu người giúp đời, hiện thực hoá những hy vọng sống cho người bệnh và bác sĩ Trung cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong đó. Anh bảo, dưới này mọi người đều như vậy, vì không có những chuyên khoa sâu, riêng biệt như tuyến tỉnh nên ở đây mọi người luôn phải kiêm nhiệm, phải làm nhiều và phải biết nhiều. Đứng trước bệnh nhân mà mình không thể cứu sống họ thì đó là lỗi của mình. Dù khó khăn, áp lực là vậy nhưng “những phẫu thuật viên tuyến huyện” như anh vẫn luôn vui vẻ, cố gắng từng ngày để hoàn toàn tốt công việc, đảm bảo chính xác trong từng đường mổ vì niềm tin nơi người bệnh. Thầm lặng là vậy nhưng chưa từng nhận công lao về mình, cũng không kể thành tích của mình chỉ vì đơn giản đây là công việc mà anh cũng như rất nhiều “phẫu thuật viên tuyến huyện” như anh đã chọn.
Bác sĩ của những “thực tiễn”
Trực tiếp làm công tác điều trị, phẫu thuât, hàng ngày bác sĩ Trung chứng kiến nỗi đau của người bệnh và cả những bất lực của người thầy thuốc trước những căn bệnh hiểm nghèo nên anh luôn ý thức tìm kiếm, nghiên cứu, đúc kết những phương cách điều trị tốt nhất, nhằm làm vơi đi những đớn đau, khốn khó của bệnh nhân. Những đề tài nghiên cứu sau khi được nghiệm thu đã trở lại ứng dụng tại bệnh viện và đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho người bệnh. Trong đó có thể kể đến một vài đề tài tiêu biểu như: Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi 1 lỗ sử dụng nút chỉ buộc ngoài tại BVĐK Cẩm Phả; Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi niệu quản đoạn trên bằng phương pháp nội soi sau phúc mạc tại BVĐK Cẩm Phả; Phân tích sử dụng kháng sinh trên bệnh nhân tại BVĐK Cẩm Phả năm 2019-2020; Nghiên cứu ảnh hưởng của Sonde JJ tới bệnh nhân sau nội soi ngược dòng tán sỏi niệu quản tại BVĐK Cẩm Phả năm 2020 – 2021.
Bác sĩ Trung cùng kíp mổ thực hiện phẫu thuật cắt túi mật cho người bệnh
Vốn sẵn thiện tâm, vốn sẵn yêu nghề nên khi trở thành thầy thuốc, có điều kiện trực tiếp phẫu thuật, cứu chữa người bệnh, bác sĩ Vũ Quang Trung đã không quản ngày đêm làm việc, học tập, nghiên cứu để làm những gì tốt nhất cho bệnh nhân, cho bệnh viện. Và, những tháng năm âm thầm, cần mẫn làm việc không ngơi nghỉ đã đem lại trái ngọt, từ một bác sĩ khoa Ngoại, bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (2002 – 2014), chuyển công tác sang khoa Ngoại Nhi, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh (4/2014 – 6/2014) anh đã được cất nhắc lên vị trí Trưởng khoa, Khoa Ngoại Nhi, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh và được tin tưởng bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả từ năm 2015 đến nay.
Được đào tạo bài bản, trưởng thành từ thực tiễn, nên khi trở thành lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ Trung luôn chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại đơn vị. Nhiều mô hình bệnh tật phức tạp, nhiều ca bệnh khó phải chuyển tuyến vì quá tầm chuyên môn hay người bệnh không mấy tin tưởng vào chất lượng của bệnh viện. Do đó, để nâng tầm chất lượng giữ chân người bệnh thì bản thân mình phải thay đổi. Hiểu được điều đó, bác sĩ Trung không ngừng cập nhật, tiếp thu những kiến thức chuyên môn sâu của tuyến tỉnh, tuyến trung ương và quay trở lại hướng dẫn, chuyển giao cho cán bộ bác sĩ tại bệnh viện. Trong suốt thời gian công tác tại bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, bác sĩ Trung đã cùng các đồng nghiệp triển khai thành công nhiều phẫu thuật khó lần đầu tiên tại đơn vị như: Phẫu thuật cấp cứu khâu vết thương tim; Phẫu thuật chấn thương sọ não, vết thương sọ não; Phẫu thuật cắt gan do chấn thương, phẫu thuật nội soi các bệnh lý tiêu hoá như cắt ruột thừa viêm, cắt túi mật, thoát vị bẹn; Các kỹ thuật thuộc chuyên ngành tiết niệu chuyên sâu (Tán sỏi bàng quang, niệu quản bằng larse, tán sỏi thận qua da); Phẫu thuật tiêu hoá (Cắt đại tràng do ung thư, Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn…).
Ths. Bs Vũ Quang Trung, Phó Giám đốc và Bs. CKI Nguyễn Thị Hơn, Phụ trách khoa Sản, thực hiện nội soi âm đạo gắp dị vật cho trẻ
Còn nhớ trước đó, tháng 4/2014 khi được điều động về nhận công tác tại khoa Ngoại nhi Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Dù là một lĩnh vực mới nhưng với năng lực, sự cố gắng và nhiệt huyết trong công việc, bác sĩ Trung cùng các đồng nghiệp tại đây đã cứu sống rất nhiều bệnh nhi và thành công triển khai, ứng dụng hiệu quả nhiều kỹ thuật phân tuyến chuyên sâu. Cụ thể như: Phẫu thuật điều trị các bệnh lý dị tật bẩm sinh cho trẻ (Não úng thuỷ, Lỗ tiểu lệch thấp, Bàn chân khoèo bẩm sinh…); Phẫu thuật các bệnh lý mắc phải của trẻ (Viêm ruột thừa, tắc ruột, lồng ruột,…). Đặc biệt trong giai đoạn này, bác sĩ Trung đã cùng các đồng nghiệp tại đây thực hiện đề tài cải tiến kỹ thuật “Ứng dụng phẫu thuật nội soi 1 lỗ điều trị các bệnh lý ngoại khoa và sản khoa”. Tính hiệu quả thực tiễn của đề đài đã được chứng minh và trở thành kỹ thuật được ứng dụng thường quy tại nhiều đơn vị trong ngành.
Người quản lý nhân văn
Đến với nghề là một cái duyên nhưng ở lại và tận hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân lại là cái tâm của người thầy thuốc nên dù ở bất kì cương vị nào cái “tâm” đó vẫn luôn được đặt lên trên hết. Bác sĩ Trung chia sẻ: “Người thầy thuốc đến với nghề luôn tâm niệm một điều, mình là niềm tin, hy vọng của người bệnh. Vì thế, bác sĩ luôn phải đặt cái tâm nghề nghiệp lên hàng đầu. Bởi vì nó liên quan trực tiếp đến sự sống và tính mạng của người bệnh. Cái tâm ở đây không chỉ là sự khiêm tốn với đồng nghiệp, là sự cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học vào công cuộc cứu người.”
Bác sĩ Trung trong một buổi họp giao ban với cán bộ nhân viên Khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả
Với tâm niệm ấy, dù tham gia quản lý một lĩnh vực vốn nhạy cảm và có mức độ ảnh hưởng rộng, bác sĩ Trung vẫn ứng xử nhân văn với cấp dưới của mình. 8 năm làm Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, anh luôn xem trọng yếu tố “con người”. Sự nhân văn ấy được thể hiện rất rõ khi hiếm thấy anh giận dữ hay la mắng cấp dưới. Chia sẻ về vấn đề này, anh nói: “Nghề y mình vốn đã rất áp lực, nếu mình còn la mắng, tạo thêm căng thẳng, áp lực cho anh em thì điều đó không chỉ làm xấu đi mối quan hệ, mà còn khiến họ ức chế, làm việc kém hiệu quả. Dù vậy nhưng trong công việc thì vẫn phải nghiêm túc, vì mình là bác sĩ mà, chỉ cần sai sót một chút thôi thì bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy hiểm.” Vì thế, người ta thấy cách anh ứng xử rất bình tĩnh, mềm dẻo, tế nhị, tôn trọng khi sửa lỗi cấp dưới nhưng cũng không kém phần thẳng thắn, cương quyết và trách nhiệm. Với anh, quan trọng nhất là để anh em hiểu ra cái sai tự rút kinh nghiệm, sửa chữa. Và đây chính là tố chất đặc biệt của người phó giám đốc trẻ này.
Bác sĩ Trung đại diện bệnh viện trao quà trung thu cho các bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện
Không chỉ phong cách quản lý đầy nhân văn, bác sĩ Vũ Quang Trung còn là một Phó giám đốc chịu đi, chịu lắng nghe và biết tiếp thu. Ngoài công tác điều trị tại đơn vị, bác sĩ Trung còn tham gia hỗ trợ chuyên môn cho tuyến xã, phường cũng như các bệnh viện trên địa bàn tỉnh; tham gia cấp cứu thảm hoạ khi được huy động.
Ths. Bác sĩ Vũ Quang Trung giản dị tại phòng làm việc
Hơn 20 năm trong chiếc áo blouse trắng, bác sĩ Vũ Quang Trung đã cống hiến trí tuệ, sức lực và tuổi trẻ cho sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân, thành quả công việc của anh đã được Tỉnh, Ngành cũng như đội ngũ cán bộ, y bác sĩ trong ngành đánh giá cao. Dù vậy, đến giờ bác sĩ Trung vẫn còn nhiều lắm những trăn trở, những việc phải làm chỉ vì chữ “tâm” với ngôi nhà bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả. Nhìn lại chặng đường vừa qua, anh có lẽ chưa từng nhận thành tích về mình nhưng anh có quyền tự hào. Tự hào vì đã đóng góp trong bức tranh ngành y tế tỉnh nhà, hình ảnh một người thầy thuốc với tấm lòng thiện tâm.
Ths. Bác sĩ Vũ Quang Trung 7 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Năm 2019 và 2022 vinh dự nhận bằng khen của UBND tỉnh do có những thành tích xuất sắc trong công tác.
Nguồn : THANH NGA (CDC TỈNH QUẢNG NINH)